Hồi còn bé xíu, tôi vẫn thường thắc mắc với ngoại tại sao từ “Bác” khi viết về Bác Hồ trong sách giáo khoa lại luôn được viết hoa. Mãi rồi mới rõ, thì ra đó là sự tôn trọng đặc biệt mà nhân dân ta dành cho “người cha già vĩ đại”,…
Khi Bác đứng trên cương vị lãnh đạo chính là một vị lãnh tụ tài ba, dẫn dắt nước nhà bước qua thời kì nô lệ tăm tối; khi Người trong vai trò là Cha, Người đã luôn lo lắng, chăm sóc cho chiến sĩ ta từng bữa ăn, giấc ngủ, từng chiếc chăn, cái gối. Bác trong vai trò là một nhà thơ, nhà văn, đã để lại cho nền văn học Việt Nam biết bao kiệt tác như “Cảnh khuya”, “Cảnh rừng Pắc Pó”, tập thơ “Nhật kí trong tù”,…
Và có lẽ “Lời ca” đặc biệt nhất trong lòng Đảng cộng Sản và Thanh Niên Việt Nam chính là bài thơ “Khuyên Thanh Niên” được Bác viết vào tháng 9 năm 1950 khi Người ghé thăm một đơn vị thanh niên xung phong đang làm đường phục vụ chiến dịch. Bài thơ chỉ vỏn vẹn hai mươi chữ trong bốn câu nhưng đã in sâu vào tâm trí nhiều thế hệ:
“Không có việc gì khó
Chỉ sợ lòng không bền
Đào núi và lấp biển
Quyết chí ắt làm nên”.
Như là lời động viên, khích lệ tinh thần các thanh niên chiến sĩ, Người đã khẳng định, trên con đường để đi đến thành công thì yếu tố kiên trì và theo đuổi chân lí đó của mình chính là điều kiện tiên quyết. Bởi lẽ để vươn tới được đỉnh cao chói lọi nhất, không thể thiếu đi sự nỗ lực bền bỉ và phấn đấu hằng ngày. Dù có trải qua bao gian nan thử thách, dù có phải “đào núi” hay “lấp biển” , thì chỉ cần có một ý chí sắt đá quật cường, ta đều có thể vượt qua.
Song cũng là cổ vũ tinh thần lớp lớp thanh niên xung phong đi vào cuộc kháng chiến và kiến quốc, sau này, mỗi khi gặp khó khăn, hình ảnh của Bác Hồ và bốn câu thơ của Người lại được tái hiện, in sâu trong lòng những thanh niên, chiến sĩ quân đội, tiếp cho họ thêm sức mạnh để tiến lên phía trước…
Comments