Khi đã là con người ai mà chẳng muốn được ăn ngon, mặc đẹp, được ngủ trong chăn êm nệm ấm,… Nhưng có mấy ai vì cái khổ của người khác mà đứng lên để đấu tranh, mấy ai mong muốn cho người khác được cái tốt đẹp trong khi chính mình lại lầm than đói khổ bao giờ. Nam Cao từng nói khi thấy cảnh con người ta bị ép đến bước đường cùng phải sống vì chính bản thân, nghĩ cho chính mình trước rằng: “…Một người đau chân có lúc nào quên được cái chân đau của mình để nghĩ đến một cái gì khác đâu? Khi người ta khổ quá thì người ta chẳng còn nghĩ gì đến ai được nữa. Cái bản tính tốt của người ta bị những nỗi lo lắng, buồn đau ích kỷ che lấp mất...”. Thật vậy, đã là con người thì ai cũng như thế, ai cũng sống vì bản thân, vì chính mình. Tuy đấy không phải là điều xấu bởi khi ta nghĩ đến chính mình, hoàn thiện mình cũng là góp ích cho xã gia đình và xã hội. Nhưng Người thì khác, khi dân ta chịu cảnh lầm than của ách cai trị thực dân, khi dân tộc ta bị chia rẽ, xâu xé lẫn nhau bởi chính quyền giả tạo, khi cảnh nồi da xáo thịt khiến ai thấy đến cũng đều đau đáu khôn nguôi, đau đớn đứt ruột,… Người đã không bỏ họ mà quyết định ra đi tìm đường cứu nước và không ai khác chính là chủ tịch Hồ Chí Minh.
Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/05/1890 – 02/09/1969), một vị anh hùng vĩ đại của dân tộc khi đã đưa một đất nước đang trong cảnh lầm than, đói khổ đến với độc lập, tự do, một nhà văn hóa kiệt xuất, một người thầy mẫu mực, một thi nhân với phong cách độc đáo, phong phú mà thống nhất… có thể khẳng định rằng khi nói đến chủ tịch Hồ Chí Minh không một mỹ từ nào có thể kể tả hết được. Cả cuộc đời Bác là một tấm gương sáng cho hậu thế sau này phải noi theo, học hỏi vì đạo đức, nhân cách, phẩm hạnh của Người chính là khuôn mẫu, là tượng đài bất diệt, là đóa hoa thơm ngát của đời.
Là con người vô cùng lỗi lạc, vĩ đại về tư tưởng, trí tuệ, nhân cách, sự nghiệp, tuy vậy, Bác cũng là con người hết sức bình dân, giản dị. Sự giản dị ấy luôn được ảnh cách ăn mặc, sinh hoạt thường ngày. Ăn thì vẫn cà pháo, tép đồng kho, rau muống luộc; hạt cơm vô ý rơi vãi thì nhặt bỏ vào mâm... Mặc thì, đại lễ có bộ ka-ki đã sờn, ngày thường bộ bà ba nâu sòng, đi guốc gỗ hay dép cao-su. Lúc xin được thay bộ khác cho Bác thì Bác cười mà bảo: “Nếu thi sang thì thua, thi tiết kiệm thì thắng”. Còn về tiện nghi thì rất ít, đơn sơ: giường gỗ, màn cá nhân, chiếc quạt nan, ở trong ngôi nhà gỗ cất khiêm nhường một góc vườn. Trên bàn không bày biện, chỉ tiện nghi tối thiểu để đọc, viết. Không sao kể hết được sự giản dị của Bác. Điều ấy đã làm bao người phải nể phục, tán thán như trong bài “Bác ơi” mà thi sĩ Tố Hữu viết:
“Bác để tình thương cho chúng con
Một đời thanh bạch chẳng vàng son
Mong manh áo vải muôn hồn trượng
Hơn tượng đồng phơi những lối mòn.” Bác luôn đồng hành cùng bà con nhân dân trong đời sống thường nhật.
Bác đơn giản thế đấy, như một lão nông dù cho Người đang là một vị chủ tịch nước. Tôi vẫn nhớ mãi câu chuyện người đến thăm kiều bào ta ở Indonesia, thời Tổng thống Sukarno. Lúc ấy, Chính phủ bạn dành phòng đại lễ để Bác gặp kiều bào ta. Nhưng thật bất ngờ, phòng trở nên chật vì già, trẻ, gái, trai. Việt kiều đến quá đông. Không chút do dự, Bác bước ra bãi cỏ rộng phía trước, rút dép cao-su, ngồi bệt xuống, kiều bào ta quây quần quanh Bác, không có sự khoảng cách nào cả, giờ đây chỉ có Bác và người dân như người cha già và đàn con thơ. Một nhà thơ Indonesia chứng kiến cảnh đó đã viết bài thơ có tựa đề (dịch) “Vẻ đẹp bên trong của viên ngọc”, trong đó có những câu:
“Người không thích ngồi ghế danh dự, suy tôn Ngồi vào đó, với Người, không có nghĩa.”
Sự giản dị, đời thường ấy đã là bài học cho em từ khi còn nhỏ. May mắn nghe được những câu chuyện, tấm gương của Bác từ sớm em đã học được rất nhiều điều ví như cách sống giản dị, tiết kiệm của Bác vậy. Bác dạy: “Tiết kiệm không phải là bủn xỉn, không phải là “xem đồng tiền to bằng cái nống”, “gặp việc đáng làm cũng không làm, đáng tiêu cũng không tiêu.” Tuy còn là học sinh, không có tiền của nhưng tôi vẫn học được tính tiết kiệm. Đấy là tiết kiệm thời gian, không lãng phí thời gian vào những điều vô bổ, tiết kiệm điện, nước, vật tư của công, sống giản dị không xa hoa, lãng phí những gì mình có mà phải biết trân trọng, sử dụng cẩn thận,… Những điều ấy không chỉ giúp bản thân trở nên có ích cho Nước nhà, cho mọi người mà đấy còn bảo vệ môi trường. Bạn thử nghĩ xem nếu ai cũng lãng phí thì Trái Đất sẽ ra sao?
Song, từ Bác tôi còn học được tinh thần xung kích, tiên phong của một người thanh niên, của người công. Từ khi còn rất trẻ, bên trong người thanh niên Nguyễn Tất Thành đã nung nấu một nỗi khát khao cứu nước, giúp người dân khỏi ách đô hộ, thống khổ. Rồi trên con đường cách mạng, Người luôn tiên phong, dẫn đầu không quản ngại khó khăn. Từ đó Người khuyên thế hệ trẻ như trong thư “Gửi các bạn thanh niên”, Người viết: “Thanh niên là người chủ tương lai của nước nhà. Thật vậy nước nhà thịnh hay suy, yếu hay mạnh một phần lớn là do các thanh niên”, Người gửi gắm rất nhiều đến lớp trẻ thanh niên: “Đâu Đảng cần thanh niên có, việc gì khó thanh niên làm.” Những điều ấy đã tác động đến tôi rất nhiều. Là một người Đoàn viên trẻ, tôi luôn luôn sống theo tinh thần, trách nhiệm của một người thanh niên như lời Bác căn dặn: Xung kích, sáng tạo, hội nhập, phát triển, dưỡng tâm trong, rèn trí sáng, xây dựng hoài bão lớn.
Qua những điều đó, hi vọng rằng các bạn đoàn viên học sinh, các bạn thanh niên sẽ học được thêm nhiều điều bổ ích từ Bác, từ đấy phấn đấu trở thành một công dân tốt cho xã hội, giúp ích Nước nhà, rạng danh dân tộc, cho xứng với cháu con dòng dõi Tiên-Rồng, hãy nhớ:
“Không có việc gì khó
Chỉ sợ lòng không bền
Đào núi và lấp biển
Quyết chí ắt làm nên.”
_____________________________________________________________________________________
Chia sẻ từ bạn Huỳnh Dương Lộc - UV. BCH Đoàn trường THPT Hùng
Comments